Vaccine Covid-19 AstraZeneca có thể gây máu đông, Bộ Y tế nói gì?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo báo The Daily Telegraph của Anh, Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca đã lần đầu tiên thừa nhận vaccine ngừa Covid-19 của hãng này có thể gây phản ứng phụ như đông máu song các trường hợp này rất hiếm gặp. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh hãng dược phẩm đang phải đối mặt với hàng chục vụ kiện tập thể, với cáo buộc vaccine của hãng gây t‌ử von‌g và thương tật nghiêm trọng cho người sử dụng.
Vaccine Covid-19 AstraZeneca có thể gây máu đông, Bộ Y tế nói gì?
Vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca được triển khai tiêm chủng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Bloomberg.com

Trước đó, vào tháng 6-2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra thông tin về vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca. Theo đó, WHO đưa ra cảnh báo về những tác dụng phụ rất hiếm gặp là hội chứng huyết khối kèm giảm tiểu cầu, có thể gây tình trạng đông máu bất thường, nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine này.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, trong thời gian đoạn đầu xảy ra dịch Covid-19, Việt Nam đã đặt mua của hãng AstraZeneca 30 triệu liều vaccine. Sau đó, Việt Nam cũng tiếp nhận một lượng vaccine AstraZeneca qua các chương trình và tổ chức tài trợ.

Trước thông tin vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca có thể gây đông máu, khiến một số người dân lo ngại, ngày 3-5, đại diện Cục Quản lí Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế cho biết đây là tác dụng phụ mà Việt Nam khi tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca đã được cảnh báo, TTXVN đưa tin.

Đại diện Bộ Y tế cho biết khi triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 vào Việt Nam, ngành y tế rất thận trọng. Khi xây dựng quy trình tiêm chủng đều có kiểm tra, giám sát sức khỏe trước và sau tiêm vaccine.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hầu hết mọi người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca được vài năm. Trong khi đó, vaccine có tác dụng trong một năm. Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng về các tác dụng phụ dẫn đến đông máu. Ngoài ra, giới chuyên môn Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi thông tin từ đồng nghiệp quốc tế liên quan vấn đề này.

Ngày 30-12-2020, vaccine AstraZeneca lần đầu tiên được cấp phép sử dụng trong chương trình tiêm chủng tại Anh và được đưa vào tiêm chính thức từ ngày 4-1-2021. Sau đó, vaccine này được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây cũng là một trong ba loại vaccine đầu tiên được WHO thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp từ ngày 15-2-2021.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật